Nếu muốn so sánh hai trị trung bình của 2 nhóm tổng thể riêng biệt có đặc điểm là mỗi phần tử quan sát trong tổng thể này có sự tương đồng theo cặp với một phần tử ở tổng thể bên kia ta thực hiện phép kiểm định giả thuyết về sự bằng nhau của 2 trung bình tổng thể dựa trên dữ liệu mẫu rút ra từ 2 tổng thể theo cách phối hợp từng cặp: Paired-Sample T-Test.
1. Khi nào sử dụng Paired-Sample T-Test
Phương pháp kiểm định này rất thích hợp với dạng thử nghiệm trước và sau. Các ví dụ cụ thể:
- Trung tâm Tiếng Anh kiểm tra điểm 4 kỹ năng Nghe Nói Đọc Viết của một nhóm học viên trong lần kiểm tra chất lượng đầu vào so với thời điểm 3 tháng sau khi áp dụng phương pháp học mới tại trung tâm. Mục đích của việc này nhắm đánh giá tính hiệu quả của phương pháp học mới.
- Công ty thử nghiệm chính sách chia hoa hồng mới cho một nhóm nhân viên bán hàng để xem sự khác biệt sự hài lòng của nhân viên đối với chính sách cũ và chính sách mới.
- Công ty thử nghiệm việc thay đổi bao bì sản phẩm mới để xem phản ứng của một nhóm người dùng trước và sau thay đổi có sự khác biệt như thế nào.
Điều kiện để áp dụng Paired-Samples T-Test là kích cỡ 2 mẫu so sánh phải bằng nhau. Quá trình kiểm định sẽ bắt đầu với việc tính toán chênh lệch giá trị trên từng cặp quan sát bằng phép trừ sau đó kiểm nghiệm xem chênh lệch trung bình của tổng thể có = 0 không, nếu = 0 tức là không có khác biệt. Lợi thế của phép kiểm định mẫu phối hợp từng cặp là loại trừ được những yếu tố tác động bên ngoài vào nhóm thử.
Nếu bạn gặp khó khăn khi thực hiện phân tích Paired Sample T-Test vì số liệu khảo sát không tốt, vi phạm các tiêu chí kiểm định. Bạn có thể tham khảo dịch vụ hỗ trợ SPSS của Phạm Lộc Blog hoặc liên hệ trực tiếp email xulydinhluong@gmail.com để tối ưu thời gian làm bài và đạt kết quả tốt.
Để kiểm định trung bình giữa hai biến, chúng ta đặt giả thuyết H0: Không có sự khác biệt về giá trị trung bình giữa hai biến. Phép kiểm định t được sử dụng để kiểm định giả thuyết này. Kết quả kiểm định:
- Sig < 0.05: Bác bỏ giả thuyết H0, nghĩa là có khác biệt một cách có ý nghĩa thống kê trung bình giữa hai biến.
- Sig > 0.05: Chấp nhận giả thuyết H0, nghĩa là không có khác biệt một cách có ý nghĩa thống kê trung bình giữa hai biến.
Trong SPSS, các số liệu của kiểm định t được lấy từ bảng Paired Samples Test.
2. Kiểm định Paired-Samples T-Test trong SPSS
Tình huống: Đây là nghiên của một công ty nhằm kiểm tra mức độ hài lòng của 300 nhân viên bán hàng về sự thay đổi của chính sách phân chia hoa hồng. Thang đo mức độ hài lòng là 7 điểm tối đa và 1 điểm tối thiểu, càng hài lòng cho điểm càng cao.
- Cuộc khảo sát lần 1 (trước khi áp dụng chính sách mới) tiến hành ngày 01/08/2020 trên 300 nhân viên thu về 300 kết quả hợp lệ.
- Cuộc khảo sát lần 2 (sau khi áp dụng chính sách mới) tiến hành ngày 01/11/2020 trên cùng 300 nhân viên cũ thu về 300 kết quả hợp lệ.
Sau khi thu thập phiếu khảo sát về, mã hóa và nhập liệu, chúng ta có tệp dữ liệu như bên dưới. Cột NhanVien là số thứ tự 300 nhân viên tham gia khảo sát, cột KhaoSat1 và KhaoSat2 lần lượt là kết quả hai lần khảo sát.
Thực hiện kiểm định Paired-Samples T Test bằng cách vào Analyze > Compare Means > Paired-Samples T Test.
Xuất hiện cửa sổ Paired-Samples T Test, đưa hai biến muốn kiểm định trị trung bình vào mục Paired Variables, cụ thể ở đây là KhaoSat1 và KhaoSat2. Nhấp OK để xuất kết quả ra output.
Chúng ta sẽ có ba bảng, bảng Paired Samples Statistics thống kê giá trị trung bình, độ lệch chuẩn các biến, bảng Paired Samples Correlations thể hiện sự tương quan giữa hai biến, bảng còn lại là Paired Samples Test cho biết kết quả kiểm định.
Chúng ta sẽ đọc kết quả giá trị sig trong bảng Paired Samples Test trước. Sig kiểm định t bằng 0.000 < 0.05, nghĩa là có khác biệt một cách có ý nghĩa thống kê trung bình giữa hai biến KhaoSat1 và KhaoSat2. Mức độ hài lòng của nhân viên bán hàng có sự thay đổi sau khi áp dụng chính sách phân chia hoa hồng mới. Giá trị Mean mang giá trị dương, như vậy giá trị trung bình của KhaoSat1 cao hơn KhaoSat2, sự hài lòng của nhân viên giảm sau khi áp dụng chính sách mới.
Bảng Paired Samples Statistics cung cấp thông tin về giá trị trung bình, độ lệch chuẩn của hai biến. Cột Mean thể hiện trung bình mức điểm đánh giá của hai lần khảo sát. Có thể thấy được rằng, ở lần khảo sát 2, nhân viên ít hài lòng hơn về chính sách phân chia hoa hồng. Lần 2 điểm trung bình đánh giá là 4.50 thấp hơn 5.47 là điểm trung bình của lần khảo sát 1.
Bảng Paired Sample Correlations cho biết có mối tương quan về dữ liệu giữa hai lần khảo sát hay không. Việc tương quan hay không tương quan của dữ liệu ở 2 lần khảo sát không có mối quan hệ nhân quả với kết quả kiểm định Paired Sample T-Test. Giá trị sig nhỏ hơn 0.05 nghĩa là có sự tương quan, ngược lại nếu sig > 0.05, không có sự tương quan với nhau. Cụ thể trong trường hợp này, sig = 0.000 < 0.05, dữ liệu hai biến KhaoSat1 và KhaoSat2 có sự tương quan với nhau.