Mô hình nghiên cứu là khung lý thuyết hoặc cấu trúc được sử dụng để hướng dẫn việc thiết kế, thực hiện và phân tích trong một nghiên cứu. Nó là một công cụ quan trọng giúp nhà nghiên cứu xác định các yếu tố cần nghiên cứu, mối quan hệ giữa các yếu tố đó, và cách thức thu thập cũng như phân tích dữ liệu.
1. Mô hình nghiên cứu là gì?
Đối với một nghiên cứu hành vi (xã hội học) thuật ngữ mô hình nghiên cứu nhằm nói đến mối quan hệ giữa các nhân tố (biến nghiên cứu) với nhau như thế nào dựa trên các lý thuyết kinh tế, quản trị, tâm lý xã hội…
Một mô hình nghiên cứu gồm hai thành phần cơ bản là (1) các biến nghiên cứu và (2) các mối quan hệ giữa các biến nghiên cứu (được thể hiện qua các giả thuyết nghiên cứu). Một mô hình nghiên cứu đơn giản có thể được biểu diễn như sau:
Mô hình nghiên cứu này thiết lập mối quan hệ giữa bốn biến độc lập với một biến chịu tác động từ bốn biến kia gọi là biến phụ thuộc.
2. Vì sao phải xây dựng mô hình nghiên cứu?
Xây dựng mô hình nghiên cứu là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học. Nó giống như một bản đồ chỉ đường, giúp chúng ta định hướng rõ ràng con đường đi đến kết quả nghiên cứu.
Mô hình giúp chúng ta hình dung một cách trực quan và hệ thống các mối quan hệ giữa các yếu tố trong vấn đề nghiên cứu. Việc trình bày bằng câu chữ "yếu tố A tác động lên yếu tố B, yếu tố C điều tiết quan hệ từ B lên D, yếu tố D đóng vai trò trung gian quan hệ từ D lên E ..." khá dài dòng và tạo sự rối rắm, trong khi một hình vẽ biểu diễn biến và mũi tên quan hệ sẽ dễ nhìn, dễ hiểu hơn rất nhiều. Nhờ đó, chúng ta có thể xác định rõ những gì cần nghiên cứu và cách thức nghiên cứu sẽ cần triển khai thế nào.
Mô hình nghiên cứu cũng giúp chúng ta xác định các biến số cần phân tích và lựa chọn các kỹ thuật phân tích phù hợp. Dựa vào tên biến, cách bố trí biến, quan hệ giữa các biến trong mô hình chúng ta sẽ định hình được phương pháp nghiên cứu, dạng dữ liệu cần thu thập cho mỗi biến và loại kỹ thuật nào sẽ cần sử dụng để xử lý quan hệ trong mô hình.
Ví dụ, nhìn vào mô hình trên, chúng ta có thể định hình trước về:
- Số lượng và vai trò biến: Mô hình này có bốn biến nghiên cứu với Workload là độc lập tác động lên phụ thuộc Stress, mối quan hệ tác động này được điều tiết bởi hai biến là Support và Workout.
- Phương pháp nghiên cứu và dạng dữ liệu thu thập đo lường cho các biến: Tối ưu nhất nên xây dựng phương pháp nghiên cứu định lượng cho các biến. Dữ liệu các biến độc lập và phụ thuộc trong mô hình nên ở dạng định lượng, còn dữ liệu các biến điều tiết có thể ở dạng định lượng hoặc định tính.
- Kỹ thuật xử lý: Nếu dữ liệu các biến độc lập với phụ thuộc là định lượng thì có thể dùng hồi quy hoặc SEM để xử lý mối quan hệ giữa hai biến này. Còn hai biến điều tiết nếu ở dạng định lượng sẽ dùng kỹ thuật phân tích quan hệ điều tiết qua bootstrap hoặc SEM. Còn nếu dữ liệu biến điều tiết ở dạng định tính có thể dùng tới phân tích đa nhóm Multigroup.
3. Thành phần cơ bản của mô hình nghiên cứu
Như vừa đề cập ở trên, mô hình nghiên cứu gồm hai thành phần cơ bản là (1) các biến nghiên cứu và (2) các mối quan hệ giữa các biến nghiên cứu. Chúng ta sẽ đi sâu hơn một chút về hai thành phần này.
a. Biến nghiên cứu
Biến nghiên cứu (hay còn gọi là nhân tố, yếu tố, biến) gồm các loại:
- Biến độc lập (Independent Variable): Là biến tác động, ảnh hưởng lên biến khác. Biến độc lập là biến chúng ta sẽ xem xét sự thay đổi của nó sẽ làm biến đổi biến phụ thuộc như thế nào.
- Biến phụ thuộc (Dependent Variable): Là biến nhận tác động, nhận ảnh hưởng từ biến khác lên nó. Biến phụ thuộc là biến chúng ta sẽ xem xét sự biến đổi của nó khi biến độc lập thay đổi.
- Biến kiểm soát (Control Variable): Là biến mà giá trị của nó được giữ cố định hoặc khó có thể thay đổi ngay lập tức (ví dụ đặc điểm nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, học vấn...) nhằm đảm bảo rằng chúng không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc. Mục đích của việc kiểm soát biến là để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác động của các yếu tố không liên quan, giúp nhà nghiên cứu tập trung phân tích chính xác mối quan hệ độc lập - phụ thuộc mà họ đang nghiên cứu.
- Biến trung gian (Mediating Variable) hoặc biến điều tiết (Moderating Variable): Các yếu tố giúp giải thích rõ hơn mối quan hệ giữa biến độc lập và biến phụ thuộc.
Mỗi loại biến có các chức năng khác nhau và cách biểu thị chúng trên mô hình cũng khác nhau. Do vậy, cần xác định chính xác loại biến nghiên cứu là gì để xây dựng một mô hình nghiên cứu phù hợp về mặt thống kê.
b. Quan hệ giữa các biến nghiên cứu
Mô hình sẽ mô tả cách thức các biến liên quan đến nhau, có thể là quan hệ nhân quả, tương quan hoặc tương tác...
- Quan hệ tác động từ X lên Y: trên mô hình sẽ biểu diễn quan hệ giữa hai biến này bằng mũi tên một chiều với phần gốc mũi tên nằm ở X và phần nhọn mũi tên nằm ở Y. Lúc này, X được gọi là biến độc lập, Y được gọi là biến phụ thuộc.
Lưu ý rằng, quan hệ nhân quả X lên Y khác với Y lên X.
- Quan hệ tương quan giữa X1 với X2: trên mô hình sẽ biểu diễn quan hệ giữa hai biến này bằng mũi tên hai chiều với phần nhọn mũi tên nằm ở cả X1 và X2. Tuy nhiên, trên thực tế đa phần các phần mềm xử lý mô hình mặc định sẽ tính toán tương quan của các biến trong mô hình một cách tự động mà không cần khai báo quan hệ tương quan giữa các biến.
Lưu ý rằng, quan hệ tương quan X1 với X2 hoàn toàn giống tương quan X2 với X1.
- Quan hệ trung gian của X lên Y thông qua M: trên mô hình sẽ biểu diễn quan hệ giữa ba biến bằng hai mũi tên một chiều. Mũi tên thứ nhất biểu diễn tác động từ biến độc lập X lên biến trung gian M, mũi tên thứ hai biểu diễn sự tác động từ biến trung gian M lên biến phụ thuộc Y.
- Quan hệ điều tiết của W lên quan hệ từ X lên Y: trên mô hình sẽ biểu diễn quan hệ giữa ba biến bằng hai mũi tên một chiều. Mũi tên thứ nhất biểu diễn tác động từ biến độc lập X lên biến phụ thuộc Y, mũi tên thứ hai biểu diễn sự tác động từ biến điều tiết W lên mũi tên quan hệ từ X lên Y.
- Quan hệ kiểm soát của C lên Y: trên mô hình sẽ biểu diễn quan hệ giữa hai biến này bằng mũi tên một chiều với phần gốc mũi tên nằm ở C và phần nhọn mũi tên nằm ở Y. Lúc này, C được gọi là biến kiểm soát. Biến kiểm soát C có thể kiểm soát lên bất kỳ biến nào trong mô hình, không nhất thiết phải là biến phụ thuộc.
Về cách biểu diễn, biến kiểm soát và biến độc lập có cách biểu diễn khá giống nhau khi cùng hướng mũi tên về một biến khác. Tuy nhiên, về tính chất thì giá trị của biến độc lập sẽ có sự thay đổi, trong khi đó giá trị biến kiểm soát thường là cố định.
Ví dụ về một mô hình nghiên cứu tổng hợp nhiều loại biến:
3. Cách xây dựng mô hình nghiên cứu
Đối với những nghiên cứu lặp lại, chúng ta sẽ kế thừa toàn bộ hoặc một phần mô hình nghiên cứu từ các nghiên cứu trước. Với những nghiên cứu khám phá về quan hệ, chúng ta sẽ dựa trên nền tảng cơ sở lý thuyết đề đề xuất các quan hệ mới trong mô hình và đi kiểm chứng những quan hệ này.
Nhìn chung, dù là dạng nghiên cứu nào đi nữa, quy trình xây dựng mô hình nghiên cứu sẽ đi qua 5 bước chính:
Bước 1: Xác định vấn đề nghiên cứu
Trước hết cần xác định rõ vấn đề muốn nghiên cứu là gì. Đảm bảo vấn đề nghiên cứu có tính thực tiễn và ý nghĩa, không phải xây dựng một vấn đề nghiên cứu phi logic, không có tính thực tế.
Bước 2: Xây dựng cơ sở lý thuyết
Tìm hiểu và tổng hợp các lý thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu từ các sách kinh tế học, xã hội học hành vi,... Sau đó, tìm kiếm các luận văn, tạp chí, công trình nghiên cứu uy tín cùng tính chất đề tài để tham khảo học hỏi mô hình nghiên cứu trước đó.
Bước 3: Xác định các biến số nghiên cứu
Xác định các loại biến nghiên cứu và vai trò của chúng dựa vào mục số 2 đã trình bày ở phần trên. Đâu sẽ là biến độc lập, biến phụ thuộc, biến trung gian, biến điều tiết, biến kiểm soát. Cơ bản một mô hình nghiên cứu cần có hai loại biến là độc lập và phụ thuộc, các loại biến còn lại có thể có hoặc không.
Bước 4: Xây dựng mô hình khái niệm
Trình bày các mối quan hệ giữa các biến dưới dạng sơ đồ hoặc mô hình. Chỉ rõ hướng tác động (mũi tên) và bản chất của các mối quan hệ (dương/thuận chiều, âm/ngược chiều).
Bước 5: Xây dựng giả thuyết nghiên cứu
Bước cuối cùng đó là đề xuất các giả thuyết liên quan đến mối quan hệ giữa các biến. Ví dụ: "Giả thuyết H1: Yếu tố A có tác động tích cực đến yếu tố B."
Kết luận
Xây dựng mô hình nghiên cứu là một bước rất quan trọng trong quá trình làm đề tài nghiên cứu, làm luận văn ở các cấp độ. Bởi việc xây dựng bảng câu hỏi khảo sát, chọn phương pháp xử lý dữ liệu, quy trình các bước phân tích dữ liệu toàn bộ sẽ bám theo cơ sở nền tảng là mô hình nghiên cứu này.
Nếu bạn là người mới, chưa nắm rõ về kiến thức nghiên cứu marketing để xây dựng một mô hình phù hợp. Hãy dành nhiều thời gian đọc các bài luận văn đi trước, các tạp chí, bài báo uy tín để tham khảo cách thức các tác giả xây dựng cơ sở lý thuyết như thế nào, từ cơ sở lý thuyết đó hình thành nên mô hình nghiên cứu ra sao.
Đi cùng với quá trình tự tìm hiểu, bạn nên nhờ sự trợ giúp của thầy/cô hướng dẫn. Các thầy/cô giảng viên là những người có chuyên môn cao, có kinh nghiệm sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều để bạn đề xuất ra được một mô hình nghiên cứu phù hợp cho đề tài.